Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp Tỉnh mộ phần Đặng Văn Hòa và Đình Hiền Sỹ
Ngày cập nhật 29/07/2015

Ngày 27/7/2015 UBND xã Phong Sơn đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Tỉnh: Mộ phần Đặng Văn Hòa và Đình Hiền Sỹ

Đặng Văn Hòa hiệu Lễ Trai, ông sinh năm 1791, mất năm 1856. Theo sử triều Nguyễn chép: Ông là con trai thứ hai của Đặng Quang Tuấn, một thầy đồ dạy học nổi tiếng ở kinh thành Phú Xuân dưới triều Tây Sơn.
Năm Gia Long thứ 12 (1813), triều đình mở khoa thi Hương đầu tiên ở Thừa Thiên, ông dự thi và đỗ Hương cống, được bổ làm Tri huyện Hà Đông, rồi Quảng Nam (1819), Lang trung Bộ Binh, Tham hiệp rồi hiệp trấn Thanh Hóa (1822 - 1827), Tả thị lang Bộ Binh kiêm Tham tri Bộ Binh lãnh binh tào Bắc Thành (1828). Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), các trấn đổi thành các tỉnh, Bắc Thành đổi thành tỉnh Hà Nội, ông là người đầu tiên được cử làm Tuần phủ Hà Nội.
Từ năm 1832 – 1852, Đặng Văn Hòa giữ chức Tổng đốc các tỉnh Nam Định - Hưng Yên; Hà Nội - Ninh Bình; Bình Định - Phú Yên; Gia Định - Biên Hòa. Thượng thư các Bộ: Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công; ông được cử làm Kinh diên giảng quan (giảng sách cho vua), sung chức Tổng vựng cùng làm Bộ “Đại Nam sự lệ hội điển”, sưu tầm thơ dân gian, làm sách “Nam thổ anh hoa lục”. Năm 1853, ông được cử làm Tổng tài Quốc sử quán cho đến khi mất ngày 20 tháng 6 năm Bính Thìn (22/6/1856), được vua Tự Đức truy tặng danh hiệu Văn Minh điện Đại học sĩ, Thụy Văn Nghị, sau được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương. Phần mộ ông được đưa về quê gốc Hiền Sỹ, huyện Phong Điền theo đúng di ngôn của tiên tổ ghi trong Đặng gia thế phả: “Hồ tử chính khâu thù” (Cáo chết quay đầu về núi).
Sinh ra và lớn lên ở một miền quê thuần phát, trong một gia đình thi lễ, nhiều đời sùng kính đạo Nho; dù trong hoàn cảnh nào, Đặng Văn Hòa cũng giữ được phẩm chất, khí phách của một bậc trượng phu đương thời, đó là: Không ham danh, hám lợi; không để thân danh lụy vào vật chất tầm thường, tâm hồn luôn thanh thản, cung kính khiêm nhường, suốt cả cuộc đời vì nước, vì dân. Trải qua gần 40 năm làm quan, ông đã khẳng định được nhân cách và bản lĩnh của một bậc “lương đống” đầy tài năng và tâm huyết.
Mộ phần Đặng Văn Hòa nằm trong khu nghĩa địa Cồn Lệnh, thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên trái là phần mộ của mẹ ông, bà Phan Thị Hãn; bên phải là phần mộ của cha Đặng Quang Tuấn; phía trước là mộ của hai bà vợ: Nhất phẩm phu nhân Hoàng Thị Quỳnh và Nhị phẩm phu nhân Nguyễn Thị Thỏa.

Hiền Sỹ là một trong những làng được hình thành tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Theo sách“Ô châu cận lục”của Dương Văn An (viết vào năm 1553), dưới thời nhà Mạc làng đã có tên là Hiền Sỹ, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa với lời bình: “Hiền Sỹ phong lưu”.
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, thì làng Hiền Sỹ thuộc Tổng Phù Ninh, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong.
Làng Hiền Sỹ được tách ra từ huyện Quảng Điền và nhập vào huyện Phong Điền, cho đến sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954), làng Hiền Sỹ lúc này thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Ngày 18/5/1981, khu kinh tế Ồ Ồ được thành lập. Hiền Sỹ của xã Phong An được nhập vào xã Phong Sơn, tên gọi và địa giới làng Hiền Sỹ không có gì thay đổi từ đó đến nay.
Là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố biến cố lịch sử, nhưng làng Hiền Sỹ vẫn còn lưu giữ bảo tồn được nhiều nét đặc trưng văn hóa làng Việt trên vùng đất mới, trong đó đình Hiền Sỹ chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức của dân làng. Đình là nơi thiêng liêng để con dân trong làng nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, giữ nước… Đây không chỉ là nơi để gửi gắm những mong ước tâm linh của dân làng về cội nguồn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất mới; nơi gắn kết quá khứ với hiện tại và tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết của con dân trong làng với cộng đồng xã hội của làng quê truyền thống. Những lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình, cùng những hoạt động sinh hoạt tập thể khác mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, của người dân địa phương.
Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đình Hiền Sỹ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng,  không chỉ đối với dân làng, mà còn đối với nhân dân trong huyện Phong Điền. Đình Hiền Sỹ là địa điểm sinh hoạt của nhóm “Thanh niên Sông Bồ” đã tập hợp được khá nhiều thanh niên ưu tú các làng, tích cực tham gia hoạt động yêu nước và trở thành những hạt nhân quan trọng để lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế sau này. Đình Hiền Sỹ là nơi diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng toàn huyện Phong Điền để thành lập “Việt Minh Trường Sơn”. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của huyện Phong Điền nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên nói chung. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Hiền Sỹ còn là nơi tập trung, trung chuyển các cơ quan của Ủy ban kháng chiến Tỉnh trước khi chuyển căn cứ lên chiến khu Hòa Mỹ... Đình là nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của người dân địa phương và trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất này.
Có thể nói, đình làng Hiền Sỹ không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, tín ngưỡng truyền thống của làng, mà còn là địa chỉ đỏ ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn là nơi để giáo dục dân làng về lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của cha ông.
Với những giá trị lịch sữ văn hóa đó, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và các ngành cấp huyện, sự chỉ đạo và giúp đỡ tận tình của Sở VH-TT-DL, Bảo tàng LSCM. UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận di tích lịch sử Mộ phần Đặng Văn Hòa và Đình Hiền Sỹ.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 75.872
Truy câp hiện tại 815